Axit dạ dày đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi tình trạng axit dạ dày bị mất cân bằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của dạ dày, gây trào ngược axit, viêm loét dạ dày- thực quản…
1. Mất cân bằng axit gây tổn thương dạ dày, thực quản
Axit trong dạ dày đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tiêu hóa thức ăn. Nhờ có axit dạ dày , thức ăn được phá vỡ và tiêu hóa trở thành các chất nuôi dưỡng cơ thể.
Axit dạ dày giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn và làm rỗng dạ dày; kích thích ruột non và tụy sản xuất ra các enzyme tiêu hóa để phá vỡ các chất béo , protein; tiêu diệt các vi khuẩn có hại từ bên ngoài đi vào dạ dày…
Khi lượng axit trong dạ dày cân bằng vừa đủ sẽ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn nhưng nếu dư thừa axit thì có thể gây tổn thương, bào mòn thành dạ dày, thực quản, làm tổn thương sâu hơn ở niêm mạc dạ dày dẫn đến trào ngược axit, viêm loét dạ dày , làm xuất hiện các cơn đau dạ dày.
Lượng axit dư thừa có thể trào ngược lên thực quản, làm tổn thương thực quản. Biểu hiện trào ngược axit là cảm giác nóng rát trong thực quản khi axit tăng lên và gây các triệu chứng ợ chua và một số biểu hiện khác như: buồn nôn, khó nuốt, khàn tiếng, ho…
Lượng axit dư thừa có thể làm tổn thương dạ dày, thực quản.
2. Dinh dưỡng đúng cách giúp bảo vệ dạ dày
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, căng thẳng, thiếu ngủ hay chế độ ăn uống không hợp lý, ăn uống thất thường, bỏ bữa, ăn nhiều chất béo, lạm dụng rượu bia, đồ uống có gas, thực phẩm có tính axit cao… là nguyên nhân kích thích tiết ra nhiều axit dịch vị gây tổn thương niêm mạc dạ dày và trào ngược thực quản.
Vì vậy, đối với người bị trào ngược dạ dày – thực quản hay viêm loét dạ dày – tá tràng, một trong những biện pháp đầu tiên cần làm là điều chỉnh chế độ ăn uống. Cần chọn những thực phẩm giúp làm dịu, bao bọc niêm mạc dạ dày, không làm tổn thương vết loét và tránh những thực phẩm gây kích ứng dạ dày, khiến dạ dày tiết nhiều axít có thể làm cho các triệu chứng xấu hơn.
Theo BSCKI Trần Thị Hiếu, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng tiết chế, BVĐK khu vực Thủ Đức, TP. HCM, chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp phục hồi niêm mạc đường tiêu hoá và cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho người mắc bệnh dạ dày.
Ăn uống đúng cách cũng giúp giảm các triệu chứng đau, đầy bụng, khó tiêu, giảm tiết axit, giảm kích thích đường tiêu hoá.
Người bị viêm loét dạ dày nên ăn các thức ăn loãng, mềm, nhừ, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ăn thức ăn có tính kiềm để trung hoà dịch vị, thấm hút bớt dịch vị giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày như: sữa, trứng, bột nếp, bánh mì, cơm, xôi, nghệ, gừng, mật ong… Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm tải và trung hòa axit dạ dày.