GĐXH – Thịt gà, thịt vịt được biết đến là loại thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn nhiều loại thực phẩm này. Vậy nhóm đối tượng nào cần thận trọng?
Thịt gà, thịt vịt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng
Thịt gà, thịt vịt ít cholesterol hơn hẳn các loại thịt đỏ, như thịt lợn, thịt bò, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, phần lớn thành phần chất béo không bão hòa trong thịt gia cầm được đánh giá là tốt cho sức khỏe.
Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong 100g thịt gà chứa 199 kcalo, 20,3g protein, 4,3g chất béo và nhiều vitamin (A, E, C, B1, B2, PP,) khoáng chất (canxi, phốt-pho, sắt) có tác dụng bổ dưỡng chất dinh dưỡng, hỗ trợ cơ thể chống ung thư hiệu quả.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai (nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) thịt gà có giá trị dinh dưỡng, năng lượng cao hơn thịt lợn xét trong cùng khối lượng phân tích và tỷ lệ protein tiêu hóa cao hơn.
Theo bảng xếp hạng 10 loại thịt giàu giá trị dinh dưỡng thì thịt gà đứng đầu, thịt lợn xếp thứ 8, sau mới đến thịt thỏ, thịt bò…
Thịt gà cung cấp lượng lớn protein, đây là nhóm chất chính tạo thành cấu trúc của tế bào và ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao và trí não con người. Ngoài ra, thịt gà chứa ít chất béo, trong lượng chất béo đó lại chứa hàm lượng omega 3 cao, rất tốt cho sức khỏe.
Thịt gà, thịt vịt là loại thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, hàm lượng dinh dưỡng có trong 100 gr thịt vịt gồm: Năng lượng 326 kcal; Chất đạm 16 gr; Hàm lượng chất béo 28,6 gr; Canxi 15 mg; Hàm lượng phốt pho 188 mg; Sắt 2 mg; Vitamin A 900 IU; Vitamin B1 0,1 mg và một số khoáng chất quan trọng khác.
Thịt vịt có hàm lượng chất béo tương đối cao, thường ở giữa lớp da và thịt. Tuy nhiên, chất béo trong thịt vịt là chất béo không bão hòa (khác với chất béo bão hòa trong động vật). Lượng chất béo này được đánh giá là lành mạnh, ít gây hại đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình chế biến, lượng chất béo trong vịt sẽ giảm đi đáng kể tùy thuộc theo vịt được nấu chín kỹ hay không, hoặc khi dùng có bỏ lớp da bên ngoài ra không.
Thịt gà, thịt vịt loại nào tốt hơn?
Cả thịt gà, thịt vịt đều là những loại thịt ngon, chế biến được nhiều món ăn đa dạng, được nhiều người yêu thích sử dụng trong các bữa ăn gia đình, bữa tiệc, dịp lễ Tết… Người dùng tùy theo sở thích, nhu cầu mà chọn sử dụng thịt gà, thịt vịt thích hợp.
Tuy vậy, với hàm lượng cholesterol thấp, thịt gà tốt cho sức khỏe, thích hợp để dùng cân bằng dinh dưỡng, giảm lượng mỡ, cholesterol trong cơ thể, dùng khi giảm cân hơn là thịt vịt.
Ngoài ra, với tính ấm, thịt gà nên được chọn dùng để chăm sóc sức khỏe cho người ốm yếu, người có tiêu hóa kém, phù hợp để chế biến món ăn cho người già và trẻ nhỏ.
Nếu muốn bổ sung cho cơ thể nhiều vitamin, khoáng chất, muốn giải độc, giảm nhiệt, làm mát cơ thể thì bạn nên dùng nhiều thịt vịt.
Những người không nên ăn nhiều thịt gà, thịt vịt
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3) cho biết, mặc dù mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, không phải trường hợp nào cũng thoải mái ăn thịt gà, thịt vịt.
BS Vũ cho hay, người mắc bệnh gout không nên ăn thịt vịt vì có lượng purin cao có thể làm tăng cao axit uric trong cơ thể. Lý do là cứ 100g thịt vịt có 128mg purin được chuyển hóa thành acid uric.
Dù có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng một số đối tượng không được ăn nhiều thịt gà, thịt vịt.
Người bệnh gout cấp tính chỉ nên sử dụng tối đa 135-150 mg/100g. Do đó, người bệnh gout mạn tính không nên ăn thịt vịt, còn thịt gà có hàm lượng purin nhưng ở mức chấp nhận được.
Đối với thịt gà, mỗi bệnh nhân gout chỉ nên ăn ở mức 110-175 mg. Với hàm lượng này, cơ thể sẽ hấp thụ tốt dinh dưỡng và tránh được nguy cơ gia tăng chất purin trong máu.
Với người bị bệnh sỏi thận cũng không nên ăn nhiều thịt gà. Vì đây là loại thực phẩm rất giàu protein, chúng khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên và hình thành các loại sỏi.
Thịt gà, vịt cũng không tốt cho người sau phẫu thuật vì sẽ gây sẹo lồi, gây ngứa. Ăn da gà vịt gây ho, gây đau nhức khớp. Tuy nhiên, các ý kiến này hiện chưa được nghiên cứu và chứng minh.
Do thịt vịt có tính mát, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn.
Người có thể trạng hàn lạnh nên hạn chế ăn thịt vịt, vì sau khi ăn vào có thể sẽ gây lạnh bụng, dẫn đến cảm giác chán ăn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các dấu hiệu tiêu hóa bất lợi khác.
Theo kinh nghiệm y học cổ truyền, người lớn hay trẻ em mắc bệnh thủy đậu nên kiêng ăn thịt gà để tránh gây ngứa nhiều hơn. Thịt gà tính ôn, trong khi bệnh thủy đậu phát sinh do phong nhiệt độc. Nếu ăn thịt gà khi đang bị bệnh, tình trạng sẽ càng tiến triển xấu hơn.
Người bị vết thương hở không nên ăn thịt gà, vì theo Đông Y, thịt gà có tính nóng, người thể hàn khi ăn gà sẽ khiến vết thương hở trên nên mưng mủ và nhiễm trùng.
Thịt gà, da gà chứa nhiều mỡ và hàm lượng cholesterol cao có hại cho người huyết áp cao, bệnh tim mạch. Vì thế nếu ăn quá nhiều thịt gà, sẽ dẫn tới các bệnh như xơ vữa động mạch, hẹp lòng mạch.
Bên cạnh đó, quá trình lưu thông máu cũng kém hiểu quả hơn và làm tăng thêm nhiều bệnh cho người có sẵn bệnh nền cao huyết áp, vì mảng xơ vữa ở động mạch nếu không dày lên làm thu hẹp lòng mạch, thì sẽ tập kết với các sợi huyết fibrin, hình thành nên cục máu đông gây tắc nghẽn quá trình lưu thông máu. Lâu dần sẽ bị cao huyết áp.
Tuy nhiên, những người bị cao huyết áp có thể ăn thịt gà nhưng chỉ ăn phần ức và chỉ ăn theo đúng lượng mà bác sĩ khuyến cáo theo từng thể trạng cơ thể.