Tết là dịp đại gia đình đoàn tụ, quây quần kể, lắng nghe về những dự định trong năm mới và gửi những lời chúc yêu thương tới mỗi thành viên. Trong không khí sum họp, những thành viên trẻ trong gia đình thường là “tâm điểm” với những câu hỏi như: Bao giờ lấy chồng?, Đang làm ở đâu?, Lương được bao nhiêu?…
“Bao giờ lấy chồng/vợ?/ Có người yêu chưa?”
Sau một năm đi học, làm việc xa nhà, nhiều bạn trẻ “đỏ mặt” và ngại ngùng, đôi khi ngại chia sẻ khi cô dì chú bác hỏi: “Bao giờ lấy vợ/lấy chồng?” vào dịp Tết.
Đặc biệt, câu hỏi này được lặp đi lặp lại từ nhiều vị khách khác nhau đến chơi nhà ngày Tết khiến nhiều bạn trẻ ám ảnh, hoặc né tránh trả lời. Bởi nếu trả lời chưa có người yêu, bạn trẻ dễ bị hiểu nhầm là “ế” hoặc kén chọn.
Một số bạn trẻ nói vui, “điệp khúc” bao giờ lấy chồng/lấy vợ không chỉ xuất hiện nhiều trong ngày Tết, mà ngay cả ngày thường cũng bị rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” trước sự mai mối, hay đặt KPI cho chuyện tìm ý trung nhân.
Trên các trang mạng xã hội như Facebook hay TikTok, một số bạn trẻ cũng đăng tải video, câu chuyện hài hước của bố mẹ như dùng các nghi thức tâm linh để con hết ế, hay cho con một “bài ca” chiều cuối năm vì năm nay vẫn chưa có thành viên mới ra mắt…
Những câu trả lời hài hước của giới trẻ như: Cháu chưa có người yêu, nhưng người yêu cháu thì nhiều lắm!, Vạn sự chờ duyên; Cháu nhịn yêu để tập trung kiếm tiền…
“Lương tháng bao nhiêu?”
Câu hỏi về thu nhập thường là một trong những câu hỏi nhạy cảm và mang tính cá nhân. Đặc biệt với những bạn trẻ đang gặp áp lực đồng trang lứa hoặc nỗi sợ bị so sánh, nếu trả lời sẽ rất dễ bị làm chủ đề thảo luận của các thành viên trong gia đình. Đối với những bạn trẻ mới ra trường, công việc chưa ổn định hoặc đang trải nghiệm thêm nhiều sân chơi mới, học lên cao sẽ rất “kiệm lời” khi trả lời câu hỏi về mức thu nhập.
Chủ đề này cũng trở thành một ý tưởng để nhà sáng tạo nội dung chia sẻ các tips trả lời trên mạng xã hội sao cho “ngầu”. Chẳng hạn như: Cháu làm gì có lương, cháu toàn phát lương cho người khác thôi…; Lương của cháu vừa đủ ăn, vừa đủ tiêu, vừa đủ dành tiết kiệm; Cháu làm bằng con trai bác thôi; Cháu đi làm vì niềm vui; Cháu làm gì có lương, vì cháu trả cho vợ hết rồi…
“Học ngành đó sau làm gì?”
Với các bạn sinh viên dịp Tết thường nhận được câu hỏi về ngành học và định hướng tương lai của mình. Đây là một câu hỏi thể hiện sự quan tâm và tò mò về mục tiêu của người đó trong tương lai. Tuy nhiên, một số bạn trẻ sợ khi trả lời sẽ nhận lại sự phán xét hoặc đánh giá “ngành đó nghèo, việc đó vất”… nên thường chỉ “vâng, dạ” cho qua.
Một số câu trả lời vừa được lòng người hỏi, vừa tinh tế được bạn trẻ áp dụng như: Ngành này mang lại nhiều cơ hội đa dạng, cháu đang tìm hiểu và mở rộng kiến thức của mình để có khả năng thử nghiệm và chọn lựa giữa nhiều lĩnh vực khác nhau; Cháu tin rằng học ngành này, mình sẽ có những cơ hội để đạt được những ước mơ, bằng cách gián tiếp hoặc trực tiếp; Cháu vẫn đang cố gắng để chọn việc đúng ngành, nhưng cũng tuỳ nghề chọn người…
Tổng hợp (Tiền Phong)